Sau liên tiếp những vụ việc lùm xùm về chất lượng sản phẩm rồi đến cách giải quyết mâu thuẫn với khách hàng không phù hợp của Tesla, không chỉ truyền thông tại Trung Quốc lên án mạnh mẽ, thậm chí chính quyền nước này cũng đã đưa Tesla vào danh sách các doanh nghiệp cần phải theo dõi. Khó chồng khó, thương hiệu ô tô điện của Mỹ đang đối mặt nguy cơ đánh mất thị trường lớn thứ 2 của mình trên thế giới.
Trên thực tế, không chỉ riêng tại Trung Quốc, việc người dùng lên án Tesla về cách thức họ đàm phán với khách hàng mỗi khi mâu thuẫn xảy ra đã xuất hiện trước đó ở một số quốc gia khác, có cả khu vực Bắc Mỹ.
Kể từ ngày đầu ra mắt thị trường tỉ dân này, thương hiệu Tesla nhanh chóng nhận được sự ưu ái. Nhưng có vẻ thành công đến sớm khiến họ trở nên tự mãn mà quên mất một yếu tố sống còn để tồn tại ở đây: đừng làm mất lòng người dùng và đặc biệt là chính phủ Trung Quốc.
Đầu tiên, chất lượng dịch vụ của Tesla đang đi xuống trong thời gian trở lại đây. Lý do bởi đà tăng trưởng của thương hiệu này tại Trung Quốc quá mạnh, nhưng lượng xe xuất ra đã vượt ngưỡng cơ sở hạ tầng chăm sóc và sửa chữa của hãng. Dẫn đến chất lượng sụt giảm, tạo nên cái nhìn không tốt từ người dùng và cả chính quyền.
Thứ hai, đó là cách Tesla đối phó với sự cố tranh cãi giữa họ với một khách hàng nữ đã gây rối trong ngày triển lãm xe của hãng. Sẽ chẳng có gì quá phức tạp nếu Tesla tiếp tục áp dụng các biện pháp ‘xoa dịu’ thường thấy của mình. Tuy vậy, chỉ với một vài câu nói có phần thiếu suy tính từ lãnh đạo tập đoàn, Tesla đã tự đẩy mình vào thế khó.
Hôm 19/4, Grace Tao Lin, Phó chủ tịch Tesla tuyên bố: “không có khả năng Tesla sẽ thỏa hiệp” và nói rằng bà nghi ngờ có ai đó đứng sau vụ việc này, đây là một âm mưu mang tính hãm hại. Cuộc phỏng vấn sau đó nhanh chóng dẫn đến những cáo buộc về sự kiêu ngạo của Tesla từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Hàng loạt các tờ thời báo lớn, cơ quan ngôn luận của Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cách hành xử của vị Phó chủ tịch. Liên tiếp là những bài viết với tựa đề như “Sai lầm của Tesla”, “Sự thiếu chân thành”, “Sự kiêu ngạo”, “Lập trường ngạo mạn và hống hách”,…
Việc bị công kích không ngớt chắc chắn khiến Tesla lao đao. Họ nhận ra hậu quả của tuyên bố tai hại trên, lập tức yêu cầu đài địa phương gỡ bài phỏng vấn, đồng thời thay đổi hướng tiếp cận từ không thỏa hiệp sang "xin lỗi và tự điều tra" và "đang hợp tác với các đơn vị chức năng để điều tra" chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi.
Người dân Trung Quốc cho rằng Tesla đang đổ lỗi, nghi ngờ có một âm mưu do chính quyền nước này hướng vào doanh nghiệp sản xuất ô tô. Việc định hướng không phù hợp của hãng vô tình tạo nên làn sóng tẩy chay mạnh mẽ xuất hiện trên khắp cả nước. Sau cùng, Tesla đã rơi vào danh sách bị theo dõi của Chính phủ Trung Quốc. Họ đứng trước nguy cơ đánh mất thị trường mang về tới 30% tổng doanh thủ toàn cầu mỗi năm.