Chạy một chiếc xe trên đường, nếu chưa gắn biển, mất biển kiểm soát, thì chắc chắn khó tránh việc bị lực lượng CSGT dừng xe hỏi thăm. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có biển số đàng hoàng, nhưng chất lượng xuống cấp trầm trọng như một vài hình ảnh minh họa dưới đây, thì gần như chắc chắn người điều khiển phương tiện khó tránh khỏi hình thức xử phạt.
Theo luật lệ quy định, mọi phương tiện xe cơ giới khi tham gia giao thông phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Nhiều chủ xe cho rằng việc họ điều khiển chiếc xe đã quá cũ, dẫn đến biển kiểm soát mờ, không còn giữ được chất lượng nhận diện tốt, là điều bình thường, không ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông.
Tuy nhiên, nhận định trên là hoàn toàn sai, và thậm chí sẽ khiến chủ xe phải nhận về những án phạt không mong muốn. Cụ thể, hành vi điều khiển xe cơ giới bị mờ biển số có thể bị xử phạt hành chính, quy định rõ tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
“Hành vi điều khiển biển số không đúng quy định; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng đều không đáp ứng về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới sẽ bị phạt như sau:
- Đối với xe môtô, gắn máy (cả xe máy điện): Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng (Điểm b, Khoản 1, Điều 17)
- Đối với xe ôtô (cả rơ moóc/sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các xe tương tự: Phạt tiền từ 800.000 – 1.000.000 đồng (Điểm c, Khoản 3, Điều 16)”.
Để tránh việc bị lực lượng chức năng dừng xe xử phạt không mong muốn, các chủ sở hữu những chiếc xe quá cũ, nhưng vẫn muốn tận dụng sử dụng, thì nên cân nhắc đến việc củng cố hoặc lắp đầy đủ thiết bị khi tham gia giao thông, thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định.
Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định rõ các đối tượng cụ thể phải cấp đổi, cấp lại biển số như sau: Biển số bị mờ, gãy, hỏng hoặc bị mất hoặc chủ xe có nhu cầu đổi biển số 3, 4 số sang biển số 5 số; xe hoạt động kinh doanh vận tải đã được đăng ký cấp biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen.