Thời gian qua, việc xe đạp điện, xe máy điện là nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ do sạc sai cách khiến nhiều người lo ngại. Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, tránh xảy ra những tình huống hỏa hoạn không mong muốn, cần lưu ý những điều sau đây:
1. Không nên cắm điện quá lâu
Mỗi hãng xe thường có quy định về việc cắm sạc trong khoảng thời gian bao lâu. Tuyệt đối không nên cắm điện quá thời gian quy định của hướng dẫn sử dụng, bởi cắm điện lâu dễ dẫn tới việc pin bị phồng, gây ra tình trạng hỏng hóc, cháy nổ.
2. Để xe nguội rồi mới sạc
Sau khi đi xe về, nên chờ 15-30 phút sau hãy sạc để ắc quy ‘"nguội’’ bớt sau khoảng thời gian hoạt động ngoài đường. Sau khi sạc xong cũng cần chờ 15-30 phút mới nên sử dụng.
Nếu sạc ngay khi ắc quy xe còn nóng sẽ khiến chất lượng ắc quy bị ảnh hưởng, nhanh bị phồng, chai pin. Việc ắc quy có vấn đề là nguyên nhân chính gây ra tình trạng cháy nổ ở xe đạp, xe máy điện.
3. Ngắt điện khi pin đầy
Sau khi pin đầy cần rút sạc ngay lập tức, tránh để pin bị phồng rộp do quá tải, sản sinh nhiều nhiệt lượng.
4. Dùng bộ sạc chính hãng
Phải sử dụng sạc chính hãng. Tuyệt đối không nên mua những các loại sạc không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường do tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi sử dụng.
Những bộ sạc không chính hãng dễ có hiện tượng chênh lệch nguồn điện hay chênh lệch tiếp xúc. Khi dùng bộ sạc không chính hãng có thể làm cho ắc quy hay pin giảm khả năng tích điện, nguy hiểm hơn có thể gây chập cháy điện.
5. Thay pin, thay ắc quy khi đến hạn
Sau 1 thời gian sử dụng, cần phải thay thế pin, ắc quy để đảm bảo việc không xảy ra sự cố. Trong trường hợp chỗ báo điện năng hay nhấp nháy hoặc là quan sát thấy pin/ắc quy bị phồng thì lúc này cần phải thay mới pin /ắc quy ngay lập tức. Mỗi 3 tháng phải kiểm tra, bảo trì pin, ắc quy 1 lần.
6. Không tự ý thay đổi kết cấu xe
không tự ý thay đổi kết cấu của xe, không lắp thêm các phụ kiện, thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe.
7. Không nên sạc xe điện vào ban đêm
Nguy cơ cháy nổ khi sạc xe máy điện, xe đạp điện thường xảy ra vào ban đêm, thời điểm mọi người đã đi ngủ, nếu sạc xe vào khoảng thời gian này dễ dẫn đến trình trạng không kịp ứng phó khi phát sinh sự cố. Do đó, cố gắng sạc các thiết bị điện ở thời điểm kết thúc làm việc (khoảng 17 giờ) và kết thúc sạc trước khi đi ngủ.
8. Loại bỏ các chất dễ cháy nổ xung quanh khi sạc xe điện
Trong quá trình sạc, nên loại bỏ hết những chất dễ cháy nổ xung quanh, trong trường hợp phát sinh sự cố sẽ hạn chế việc cháy lan, làm ngọn lửa bùng lên và khiến vụ hỏa hoạn nghiêm trọng hơn. Nên sạc xe ở nơi thoáng mát, tránh vị trí ẩm thấp.